





9 Điều Ba Mẹ Không Nên Nói Với Trẻ
Một trong những công việc khó nhất khi làm cha mẹ đó là giao tiếp, nói chuyện với con mà không khiến trẻ hiểu sai ý. Khi trẻ đã có ……
Một trong những công việc khó nhất khi làm cha mẹ đó là giao tiếp, nói chuyện với con mà không khiến trẻ hiểu sai ý. Khi trẻ đã có nhận thức đầy đủ về thế giới xung quanh thì những lời cha mẹ nói thực sự có ảnh hưởng rất lớn. Các bậc phụ huynh cần suy nghĩ cẩn trọng và lựa chọn từ ngữ phù hợp để tránh làm con bị tổn thương và dẫn đến kết quả tiêu cực.
Dưới đây là 9 câu nói mà bố mẹ không nên nói với trẻ:
- “Đi chỗ khác chơi/Đừng quấy rầy bố/mẹ”
Con có thể tìm đến bên bạn chỉ để hỏi những câu hỏi ngây ngô như: “Vì sao cây có lá?” hay “Vì sao mặt trời hình tròn?”,… Phản ứng lúc này của bố mẹ rất quan trọng. Việc nói những câu như: “Đừng làm phiền bố/mẹ”, “Bố/mẹ đang bận lắm”,..hay xua đuổi trẻ đi hỏi người khác sẽ khiến trẻ hiểu sai ý của bạn. Trẻ sẽ nghĩ rằng bạn không muốn nói chuyện với chúng, không quan tâm đến chúng. Và khi lớn lên, trẻ sẽ khó tâm sự với bố mẹ về những vấn đề chúng gặp phải trong cuộc sống.
Ngay từ nhỏ, trẻ cần được tạo cho cảm giác rằng bố mẹ dành thời gian cho chúng. Nếu không thể đáp ứng nhu cầu này ngay tức thời, hãy nhỏ nhẹ nói cho trẻ biết rằng bạn phải hoàn thành xong công việc/cần nghỉ ngơi một lát và khi làm xong, bạn có thể chơi cùng trẻ.
- “Sao con lại “…” như vậy?”
Áp đặt cho trẻ những cái tên như “nhút nhát”, “ham chơi”, “lười biếng”, “xấu tính”, “nghịch ngợm”,…sẽ vô tình khiến trẻ hiểu sai về chính bản thân chúng. Trong trường hợp trẻ có hành vi không đúng và khiến bạn tức giận, bạn hãy đưa ra cách giải quyết cụ thể thay vì mắng trẻ bằng những từ ngữ tiêu cực. Ví dụ, khi con “tuyên bố nghỉ chơi” với bạn A, thay vì nói: “Sao con lại xấu tính vậy?”, bạn hãy nói: “A buồn vì con nói với các bạn khác là không chơi với A nữa. Giờ con phải làm sao để bạn đỡ buồn hơn nào?”. Những gợi ý mang tính giải quyết vấn đề như vậy cũng sẽ góp phần tác động tích cực đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ sau này.
- “Đừng khóc”
Hay những câu nói tương tự như “Đừng sợ” không giúp sẽ bớt thấy lo sợ hay nín khóc. Trẻ nhỏ không thể điều khiển cảm xúc theo ý muốn được. Lúc này, bố mẹ hãy ở bên cạnh, thừa nhận cảm xúc của trẻ và động viên để trẻ cảm thấy tốt hơn. Ví dụ, khi trẻ thấy sợ hãi trước cơn sóng biển sắp ập tới, bạn hãy nói: “Con thấy sợ cơn sóng lớn là vì chưa thấy quen với nó đấy. Bây giờ bố/mẹ sẽ đứng bên cạnh con. Khi sóng đến, con thử nói cho bố/mẹ nghe xem bàn chân con cảm thấy thế nào nhé. Bố/mẹ hứa là sẽ không buông tay con đâu”.
Bằng cách “gọi tên” cảm giác của trẻ, bạn sẽ tạo cho trẻ cơ hội thể hiện cảm xúc của bạn thân và khi lớn lên, trẻ cũng học được cách đồng cảm với tâm trạng của người khác.
- “Sao con không làm được như anh/chị con?”
Những câu nói mang tính chất so sánh giữa anh chị em trong nhà sẽ khiến trẻ thấy ghen tị, tự ti và có suy nghĩ “Tại sao mình không được xinh/không được giỏi giang như anh/chị”. Từ đó quá trình hình thành nhân cách của trẻ cũng bị ảnh hưởng, trẻ sẽ có xu hướng chống đối hoặc cố làm những việc khác với anh chị mình để được bố mẹ khen. Các bậc phụ huynh nên tập trung khuyến khích trẻ phát huy những điểm tốt nổi bật của mình và không so sánh trẻ với bất kỳ ai, nhất là những người thân và bạn bè đồng trang lứa để trẻ tự tin hơn về lâu dài.
- “Con biết cách làm tốt hơn mà!”
Khi trẻ tự làm một việc gì đó và mắc lỗi, thậm chí là lặp lại lỗi lầm, thì việc bạn nói: “Con biết cách làm tốt hơn mà” với thái độ nặng nề thực sự không có ích. Trẻ sẽ chỉ cảm thấy thông điệp bạn muốn nói đó là: “Con làm bố/mẹ bực mình quá/Con chẳng làm được việc gì nên hồn cả”. Làm thế nào trẻ biết cách gấp quần áo gọn gàng như người lớn hay biết tự phân chia rác nếu không có người hướng dẫn chúng chứ?
- “Thôi ngay! Không là bố/mẹ đánh đấy!”
Mắng hoặc dọa đánh khi trẻ làm sai hoặc cư xử không đúng mực không phải là một phương pháp hiệu quả để giáo dục trẻ. Ví dụ, khi trẻ giành đồ chơi hoặc đánh nhau với bạn, cách tốt nhất là chuyển sự chú ý của trẻ sang chỗ khác hoặc kéo trẻ ra khỏi trận chiến và nói với trẻ “Con thô bạo như vậy bạn sẽ thấy đau đấy, nếu bạn cũng đánh lại con sẽ thấy thế nào”. Bố mẹ có thể sử dụng biện pháp cứng rắn, không cho trẻ chơi nữa nếu trẻ tiếp tục đánh bạn. Giáo dục trẻ bằng hành động cụ thể sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc tỏ thái độ bực bội và đe dọa trẻ.
- "Lát bố về mẹ sẽ mách để bố phạt con đấy!"
Khi con mắc lỗi bạn thường lấy bố hoặc người lớn ra để dọa con. Nếu muốn giáo dục trẻ, hãy chỉ cho trẻ thấy lỗi sai ngay và tự đưa ra hình phạt. Nếu đợi đến lúc bố về để mẹ mách lỗi, trẻ sẽ quên mất mình làm sai điều gì. Hơn thế nữa, thói quen này sẽ hình thành tâm lý tiêu cực, trẻ vừa sợ bố vì bố luôn là người phạt trẻ, vừa không chịu nghe lời mẹ nữa.
- "Nhanh tay/nhanh chân lên"
Cả gia đình bạn chuẩn bị ra ngoài chơi nhưng trẻ mãi không tìm thấy đôi giày hay áo khoác để mặc và ngay lập tức, câu nói bố mẹ thường thốt ra đó là: “Nhanh tay/nhanh chân lên” kèm với tiếng thở dài. Chính tông giọng cùng việc hối thúc của bạn vừa chẳng giúp trẻ làm nhanh hơn và vừa khiến trẻ cảm thấy mình có lỗi khi làm ảnh hưởng đến người khác. Thay vì hối thúc, bạn hãy giúp đỡ trẻ khi cần thiết và chỉ bảo trẻ cách sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng hơn để dễ tìm.
- “Con giỏi lắm/Con làm tốt lắm”
Thật bất ngờ phải không? Việc khen ngợi giúp tạo động lực cho trẻ làm tốt hơn nhưng nếu lạm dụng, trẻ sẽ không còn cảm nhận được giá trị của lời khen nữa. Cách khen ngợi đúng nhất đó là đưa ra lời khen cụ thể và khen khi trẻ thực sự nỗ lực làm một việc gì đó. Ví dụ, thay vì nói “Con vẽ đẹp lắm”, bạn hãy nói: “Màu xanh tươi sáng mà con chọn để tô màu cho lá đẹp lắm!”, hay “Cảm ơn con vì đã ngoan ngoãn ngồi chơi ghép hình trong khi chờ mẹ làm việc nhé!”.
9 Điều Ba Mẹ Không Nên Nói Với Trẻ
Bài viết khác trong nhóm:
